Ngày 18/8/2023, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam đã công bố việc thông qua một số Dự thảo Án lệ mới sẽ có hiệu lực áp dụng bởi tất cả các Tòa án ở Việt Nam.[1]

Một án lệ đáng chú ý là Dự thảo Án lệ số 12, được xây dựng từ Quyết định số 755/2018/QĐ-PQTT ngày 12/6/2018 của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (“Án lệ”) liên quan đến tranh chấp giữa công ty con của một tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam (“Công ty”) và một nhân viên cũ của Công ty, theo đó, Công ty khởi kiện hành vi vi phạm nghĩa vụ của người lao động theo thỏa thuận không cạnh tranh.

Trong vụ việc, phía Công ty đã được tư vấn và hỗ trợ bởi các luật sư Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Văn Thái Đoàn Thanh Bình (BROSS & Partners) với tư cách là luật sư bảo vệ và đại diện theo uỷ quyền trong quá trình tố tụng trọng tài và tòa án. Vụ việc này tương đối đặc biệt vì ba lý do: (i) tranh chấp đã được giải quyết theo hướng có lợi cho Công ty, trái ngược với quan điểm phổ biến rằng thoả thuận không cạnh tranh là không có hiệu lực; (ii) tranh chấp đã được được giải quyết tại trọng tài thương mại mà không phải tại Toà án theo pháp luật lao động; và (iii) Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau đó đã khẳng định tính hợp pháp và hiệu lực thi hành của phán quyết trọng tài.

Án lệ nêu trên đã giải quyết các tranh luận kéo dài về việc liệu trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về thoả thuận không cạnh tranh hay không và có thể được tóm lược như sau:

  • Tình tiết của Án lệ: Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng văn bản (‘ký kết’) rằng, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không được làm công việc tương tự hoặc cạnh tranh với người sử dụng lao động trong thời hạn nhất định, các tranh chấp liên quan, nếu có, sẽ được giải quyết thông qua trọng tài thương mại.
  • Giải pháp: Tòa án phải xác định thỏa thuận không cạnh tranh là độc lập với hợp đồng lao động và tranh chấp phát sinh sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại.
  • Căn cứ luật định:
    • Điều 2.2, 13 và 35.4 Luật Trọng tài Thương mại 2010;
    • Điều 3.2 Bộ luật Dân sự 2015; và
    • Điều 6 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Có thể thấy, Án lệ đã tái khẳng định và làm rõ thêm cách tiếp cận của Điều 4.3(b) Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội[2] – điều khoản này quy định nếu người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động sau khi hợp đồng lao động đã chấm dứt thì tranh chấp sẽ được giải quyết theo “pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan”, mà không phải theo pháp luật lao động. Nói cách khác, tranh chấp về các vi phạm nghĩa vụ không cạnh tranh phát sinh sau khi quan hệ lao động chấm dứt sẽ được xem là tranh chấp dân sự hoặc thương mại, trong trường hợp đó, trọng tài thương mại sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu được các bên đồng ý, thay vì được xác định là tranh chấp lao động theo các thủ tục tố tụng chuyên biệt của Bộ luật Lao động.[3]

Mặc dù Án lệ chỉ giải quyết vấn đề luật tố tụng (hình thức) mà không đặt ra các quy định mang tính nội dung về điều kiện có hiệu lực của thoả thuận không cạnh tranh – một vấn đề chưa được làm rõ ở cấp độ văn bản luật của Quốc hội, Án lệ đã thể hiện quan điểm tiến bộ và cởi mở hơn của hệ thống tư pháp Việt Nam đối với loại thỏa thuận này.

Theo quan điểm riêng của chúng tôi, xu hướng cởi mở hơn đối với thoả thuận không cạnh tranh là phù hợp với đà phát triển của nền kinh tế thông tin hiện nay. Dữ liệu và thông tin đang ngày càng trở nên nhạy cảm và quan trọng, bất kỳ sự rò rỉ thông tin nào cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho một doanh nghiệp. Mặc dù doanh nghiệp cần phải chủ động bảo vệ thông tin mật của mình, việc loại trừ hoàn toàn rủi ro là không thể vì người lao động cần phải được tiếp cận một số thông tin nhạy cảm nhất định của doanh nghiệp để có thể thực hiện công việc.

Người lao động ngày nay không còn chỉ là bên yếu thế hơn trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, mà họ hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của công ty khi được bổ nhiệm vào các vị trí quản lý cấp cao (và cả khi họ rời đi), khi họ cũng là chủ sở hữu và có quyền chuyển nhượng vốn, cổ phần trong công ty, có thể tự mình khởi sự kinh doanh riêng hoặc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp khác.

Luật pháp đương nhiên phải bảo vệ bên yếu thế, nhưng nếu bên yếu thế vẫn có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho ‘kẻ mạnh’, thì ‘kẻ mạnh’ vẫn nên được pháp luật bảo vệ. Thoả thuận không cạnh tranh, nếu được các nhà làm luật quy định một cách thận trọng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, có thể giúp phòng ngừa thiệt hại xảy ra cho doanh nghiệp trước khi ‘quá muộn’, cũng như giúp doanh nghiệp giảm đáng kể rủi ro liên quan đến các hành vi xâm phạm dữ liệu, chiếm đoạt bí mật kinh doanh, phá rối hoạt động kinh doanh từ đối thủ cạnh tranh, các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh hoặc các hành vi không chuẩn về đạo đức kinh doanh khác.